Theo dự báo của trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, tình trạng nắng nóng sẽ còn kéo dài trên khắp cả nước. Do đó, mọi người cần chú ý giữ gìn sức khỏe thật tốt để đối phó với tình trạng này. Hãy cùng Aqua Việt Nam tìm hiểu ngay bài viết dưới đây để biết thêm một số mẹo bảo vệ sức khỏe mùa nắng nóng đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả.
1. Những thời điểm cần hạn chế ra ngoài để bảo vệ sức khỏe mùa nắng nóng
Theo đánh giá của các chuyên gia, khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều là lúc nhiệt độ và chỉ số tia UV đạt mức cao nhất. Kể cả khi bạn tham gia các môn thể thao dưới nước hay bôi kem chống nắng đầy đủ thì cơ thể bạn vẫn tiếp xúc với rất nhiều tia UV, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà bạn không hề hay biết. Vì vậy trong khoảng thời gian này, bạn hãy hạn chế ra ngoài và nghỉ ngơi trong nhà để tránh nắng.

2. Bổ sung đủ nước cho cơ thể
Thời tiết nắng nóng sẽ khiến cơ thể tiết ra rất nhiều mồ hôi. Vì vậy, việc cung cấp đủ nước cho cơ thể là điều vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe mùa nắng nóng. Đặc biệt, khi thấy cơ thể có những dấu hiệu như: đau đầu, chóng mặt, khô môi, choáng váng, cơ bắp bị chuột rút,… thì cần phải nghỉ ngơi và bổ sung thêm nước ngay. Việc mất nước không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi mà còn khiến bạn dễ mắc phải các bệnh lý liên quan đến thận. Dưới đây là một số cách bổ sung nước hợp lý mà bạn có thể tham khảo:
- Uống đủ lượng nước mỗi ngày: Trung bình, mỗi người nên uống từ 2-3 lít nước/ngày, tùy thuộc vào trọng lượng cơ thể và mức độ hoạt động.
- Chia nhỏ lượng nước: Đừng chờ đến khi khát mới uống. Hãy uống từng ngụm nhỏ đều đặn trong ngày để cơ thể hấp thụ nước tốt hơn.

- Ưu tiên nước lọc: Hạn chế các loại nước ngọt có ga hoặc chứa nhiều đường vì chúng có thể khiến cơ thể mất nước nhanh hơn.
- Ăn nhiều trái cây mọng nước: Các loại quả như dưa hấu, cam, bưởi, và dưa chuột là nguồn cung cấp nước tự nhiên tuyệt vời cho cơ thể.
- Sử dụng các loại súp và canh: Bổ sung thêm súp hoặc canh vào thực đơn hàng ngày giúp cơ thể vừa nhận được nước, vừa cung cấp dinh dưỡng cần thiết.
- Sử dụng nước uống điện giải khi cần thiết: Nếu hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tập luyện nặng, hãy bổ sung nước uống điện giải để giúp cân bằng lượng khoáng chất bị mất qua mồ hôi.

3. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời
Mọi người thường được khuyên nên phơi nắng để cơ thể tổng hợp vitamin D tốt hơn. Tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe mùa nắng nóng, bạn chỉ nên tiếp xúc với ánh nắng vào lúc sáng sớm khi mà chưa có nhiều tia UV. Còn trong thời tiết nhiệt độ cao, việc để da tiếp xúc với nhiều tia UV sẽ gây tổn thương và dẫn đến nguy cơ ung thư.
Để bảo vệ da khỏi tác động trực tiếp của ánh nắng mặt trời, mọi người nên bôi thêm kem chống nắng có phổ rộng để ngăn chặn cả tia UVA và UVB. Trong đó, ưu tiên chọn những loại kem chống nắng có hệ số SPF từ 50 trở lên. Bên cạnh đó, sau khi tham gia các hoạt động đổ nhiều mồ hôi thì nên bôi lại lần nữa để phát huy tối đa công dụng của sản phẩm đồng thời che chắn cẩn thận mỗi khi ra ngoài,…
4. Sử dụng điều hòa để tận hưởng không gian mát mẻ, thoải mái
Máy lạnh được xem là thiết bị vô cùng hữu ích vào những ngày nắng nóng, là người bạn đồng hành tuyệt vời của mọi gia đình Việt. Việc sử dụng điều hòa không chỉ giúp bạn tận hưởng không gian mát mẻ nhanh chóng, đem lại cảm giác thoải mái, dễ chịu mà còn hỗ trợ cải thiện chất lượng giấc ngủ và hiệu quả làm việc. Tuy nhiên, bạn nên sử dụng máy lạnh đúng cách, tránh lạm dụng quá mức để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

5. Hạn chế để cơ thể bị sốc nhiệt
Sốc nhiệt xảy ra khi cơ thể thay đổi nhiệt độ đột ngột, đặc biệt khi bạn di chuyển từ môi trường lạnh (phòng điều hòa) ra ngoài trời nắng nóng hoặc ngược lại. Điều này có thể gây ra các triệu chứng như chóng mặt, đau đầu, thậm chí ngất xỉu nếu cơ thể không kịp thích nghi. Để tránh sốc nhiệt, bạn nên tắt điều hòa hoặc tăng nhiệt độ phòng dần trước khi ra ngoài. Khi từ bên ngoài trở về, hãy lau mồ hôi, nghỉ ngơi vài phút ở nhiệt độ phòng tự nhiên trước khi bật điều hòa.
Ngoài ra, khi hoạt động trong điều kiện nắng nóng, hãy bảo vệ cơ thể bằng cách đội mũ, mặc quần áo thoáng mát và uống đủ nước để duy trì thân nhiệt ổn định. Hạn chế uống nước quá lạnh ngay khi vừa ra ngoài trời nắng vì điều này có thể gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và làm tăng nguy cơ sốc nhiệt.

6. Bổ sung thêm các bữa ăn nhẹ để bảo vệ sức khỏe mùa nắng nóng
Mỗi khi tiêu hóa, hấp thụ thức ăn cơ thể đều sinh ra lượng nhiệt nhất định. Do đó, vào những ngày nóng bạn nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ và bổ sung các loại thực phẩm tươi mát như salad, trái cây,… Việc này sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn, tránh tình trạng quá tải cho hệ tiêu hóa.
7. Thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh, bảo vệ sức khỏe mùa nắng nóng
Nắng nóng cũng là lúc các loài vi khuẩn gây hại phát triển mạnh. Vì thế bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa như rửa tay thường xuyên, tiêm phòng,… Đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ thì nên chú ý phòng chống những bệnh như: Tay chân miệng, sởi, quai bị,…
8. Thay đổi các hoạt động thể chất cho phù hợp
Vào mùa nắng bạn không nên tham gia các hoạt động thể chất ngoài trời, đặc biệt là vào khung giờ đỉnh điểm nắng nóng. Nếu muốn bạn có thể chuyển những hoạt động này vào khung giờ từ 4 – 7 giờ sáng. Ngoài ra, bạn có thể tham gia các hoạt động thể chất ở trong khu vực mát mẻ để hạn chế tiếp xúc với tia UV. Một số môn bạn có thể tham gia như: Bowling, gym, bơi lội trong nhà,…

Hy vọng rằng với những mẹo bảo vệ sức khỏe mùa nắng nóng trên đây sẽ giúp bạn và gia đình luôn khỏe mạnh. Với tình hình nắng nóng kéo dài, đừng quên thực hiện những biện pháp này để chăm sóc sức khỏe bản thân và người thân yêu mỗi ngày nhé.